Đối với DN nhỏ và vừa mức thuế này là 20% và mức chi cho quảng cáo được nâng lên 15%.
Theo dự thảo Tờ trình Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN, để thực hiện chiến lược cải cách thuế, đồng thời phù hợp với xu thế cải cách thuế, giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%; đối với DN có qui mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 20%. Số lao động và doanh thu làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng thuế suất 20% là số lao động và doanh thu bình quân của 2 năm trước liền kề và được thực hiện ổn định trong thời gian 2 năm.
Bộ tài chính cũng trình nội dung hướng dẫn tại Nghị định trong đó nêu rõ nguyên tắc: Đối với DN thành lập mới thì việc xác định DNNVV trong kỳ tính thuế đầu tiên dựa trên doanh thu tạm tính và số lao động đăng ký sử dụng. Khi quyết toán thuế năm sau sẽ điều chỉnh theo số thực tế; Đối với DN hoạt động chưa đủ 2 năm thì dựa trên doanh thu và số lao động sử dụng toàn thời gian bình quân của năm đầu thành lập.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng thuế suất 20%
Còn thuế suất thuế TNDN đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quí hiếm khác tại Việt Nam từ 32-50%.
Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm hoàn thành đầu tư đưa vào sản xuất, kinh doanh có thu nhập; trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.
Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, nếu giảm thuế suất xuống 23% thì dự kiến năm 2014 giảm thu ngân sách khoảng 12.064 tỷ đồng. Nếu áp dụng thuế suất 20% với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì giảm thu ngân sách còn nhiều hơn.
Về lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung tổ chức tài chính vi mô; dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua.
Bộ Tài chính đề nghị nâng tỷ lệ khống chế về chi phí quảng cáo, khuyến mãi lên 15%, đồng thời rà soát, loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị bổ sung thêm các khoản tài trợ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN đối với các khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước đối với các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đồng thời rà soát để bổ sung “nhà tình thương, nhà đại đoàn kết” cho người nghèo để bao quát các trường hợp thực tế phát sinh.
Đánh giá chung cho thấy, mức thuế suất phổ thông tuy không cao hơn các nước trong khu vực nhưng cần được nghiên cứu từng bước điều chỉnh giảm để bảo đảm sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế cải cách thuế của thế giới.
Về thu nhập chịu thuế - miễn thuế
Luật thuế TNDN có qui định cụ thể về thu nhập chịu thuế nhưng chưa bao quát được một số khoản thu nhập mới phát sinh như: thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư; thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ chuyển nhượng quyền góp vốn, quyền tham gia dự án đầu tư. Chính vì vậy, dự thảo đề nghị bổ sung các nội dung này vào danh mục các khoản thu nhập chịu thuế.
Ngoài ra, khoản “hoàn nhập dự phòng” doanh nghiệp được tính giảm trừ chi phí, không tính vào thu nhập chịu thuế khác để phản ánh đúng bản chất hoạt động kinh tế của hoạt động trích lập dự phòng.
Bộ tài chính cũng đề nghị bổ sung các thu nhập được miễn thuế gồm: thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải; phận thu nhập thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội và Quỹ đầu tư phát triển địa phương; phần lợi nhuận không chia của các cơ sở giáo dục đại học tư thục.
Bổ sung qui định về vốn mỏng
Luật thuế TNDN hiện hành không có qui định về vốn mỏng (là tình trạng DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi vốn chủ sở hữu rất ít). Thực tế, nhiều DN có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của DN và cũng là một trong những yếu tố gây thất thu ngân sách NN. Hiện tượng tránh thuế theo cách tận dụng vốn mỏng ngày càng trở nên phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới (khoản lãi tiền vay được tính vào chi phí được trừ khi xác định tính thuế TNDN).
Để đảm bảo phản ánh đúng chi phí lãi vay phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo an toàn tài chính cho DN và cho nền kinh tế, chống chuyển giá, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung qui định không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu, đối với một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng được áp dụng tỷ lệ cao hơn: không quá 10 lần vốn chủ sở hữu. Đồng thời, để phù hợp với thực tiễn Việt Nam là nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp đang thiếu vốn sản xuất kinh doanh, dự thảo Luật qui định rõ lộ trình thực hiện từ ngày 1/1/2016 để DN có thời gian chủ động tái cơ cấu và cân đối lại các nguồn vốn hoạt động. Việc loại trừ chi phí lãi tiền vay chỉ áp dụng đối với các khoản vay phát sinh từ ngày 1/1/2006./.
Theo (vov.vn) - L.T