Chúng ta sẽ bắt đầu hành trình với một câu chuyện về thuế. Qua câu chuyện này, bạn sẽ thấy thuế quan trọng đến mức nào với sự sống còn của một quốc gia cũng như toàn bộ nền kinh tế thế giới. Hàng ghế số 1 sẽ đưa bạn trở về khoảng thời gian hơn bảy mươi năm trước để chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Những năm 1929 - 1933, nền kinh tế của các nước tư bản lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lớn nhất và trầm trọng nhất trong lịch sử. Nó bắt đầu nổ ra ở Mỹ (tháng 10 - 1929), sau đó nhanh chóng lan ra như một “bệnh dịch” tới tất cả các nước tư bản và kéo dài đến tận giữa năm 1933.
Năm 1933, nền kinh tế các nước phương Tây đã nhanh chóng bị giảm đi 37% so với trước khủng hoảng. Số công nhân thất nghiệp lên tới mức đỉnh điểm: 50 triệu người.
Chính lúc này, nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes (1883 - 1946) đã đưa ra lý thuyết mới, cứu cả nền kinh tế thế giới. Trong lý thuyết của mình, ông nhấn mạnh một công cụ quan trọng: đó là thuế.
Trong khi các nhà kinh tế học khác chán nản: “chẳng thể làm gì được”, “đừng can thiệp”, “nó không hoạt động gì đâu”, v.v... thì Keynes kiên trì với quan điểm mới của mình. Ông cho rằng Nhà nước cần phải can thiệp vào nền kinh tế trong đó thuế và chi tiêu ngân sách là những công cụ cơ bản để Nhà nước quản lý và điều chỉnh, giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng.
Cụ thể, bằng cách điều chỉnh mức chi tiêu ngân sách và thuế khóa, Nhà nước gây ảnh hưởng lên toàn thể số cầu của xã hội. (Theo Keynes, trong quan hệ với cung, số cầu không đủ gây ra nạn thất nghiệp, còn số cầu quá mức gây ra lạm phát).
Sự đúng đắn trong lý thuyết ấy đã biến một nhà kinh tế học người Anh trở thành “vị cứu tinh” cho cả nền kinh tế Mỹ khi tổng thống Mỹ Roosevelt thử nghiệm lý thuyết này và đạt những thành công rực rỡ. Nhờ học theo cách làm của nước Mỹ, các nước phương Tây khác cũng dần vượt qua được thời kỳ khó khăn. Nền kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng, bắt đầu có sự tăng trưởng ổn định và đạt được những thành tựu to lớn trong những năm sau đó.
Năm 1964, tổng thống Mỹ Lyndon Joshson đã làm đẹp lòng nhân dân bằng cách giảm thuế trong cả nước để tăng sức mua và tạo việc làm. Tổng thống Richard Nixon cũng không tiếc lời khen ngợi: “Lúc này, tất cả chúng ta đều đi theo Keynes”.
Qua câu chuyện nói trên, chắc hẳn bạn không khỏi ngạc nhiên và đặt ra câu hỏi: Thuế là gì và tại sao thuế lại có những vai trò quan trọng như vậy?
Ngay sau đây, các bạn sẽ được giải đáp phần nào các câu hỏi đó. Và bạn cũng hãy lưu ý rằng, chính sách thuế chỉ là chính sách mà thôi nếu nó không có những người triển khai thực hiện. Để thuế có thể đem lại nguồn thu nuôi sống Nhà nước và tác động điều tiết đối với nền kinh tế, cần phải có những người triển khai thực hiện nó, đó chính là ngành thuế và những người làm nghề thuế.
Sưu tầm trên http://thcsthoison.tk/